Điều gì đáng sợ nhất với bác sĩ Mỹ?

Ai cũng biết trở thành bác sĩ Mỹ đồng nghĩa với việc có thu nhập cao hơn so với bình quân cũng như có nhiều cơ hội hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống (mình không nói chắc chắn 100% vì hạnh phúc hay khổ đau tuỳ thuộc từng cá nhân chứ không tuỳ thuộc nghề nghiệp). Vậy thì bác sỹ sợ nhất điều gì? Không phải sợ không có việc làm hay không trả được nợ mà là sợ mất bằng! Ai cũng có thể thấy được những lợi ích to lớn của việc trở thành bác sĩ, nhưng không phải ai cũng hiểu được những ràng buộc mà bác sĩ phải chấp nhận. Do đó mình muốn chia sẻ một chút về chủ đề này.

Bác sĩ ngán nhất là bị kiện. Đa phần các buổi trình bày ca, đến phần thảo luận giữa sinh viên và faculty, câu hỏi thường gặp nhất đó là “if we choose this instead of that (approach/material/method, etc), can patient sue us? Will they win at the court?” Bệnh nhân có thể kiện bác sĩ vì bất kỳ lý do gì. Họ thích thì họ kiện thôi, thận chí có khi vì cho rằng bác sỹ giàu nên kiếm cớ kiện hy vọng kiếm được một chút. Tin tốt là đa phần bệnh nhân ít kiện thành công vì điều trị trong y khoa công bằng mà nói, có rất nhiều hướng điều trị khác biệt, nhiều ý kiến trái chiều, kèm theo mỗi bệnh nhân có thể có phản ứng khác nhau nên biến chứng nếu xảy ra là điều dễ hiểu. Trong trường hợp bị kiện, nếu bác sỹ có thể chứng minh rằng mình làm mọi thứ theo đúng quy trình, đã thảo luận với bệnh nhân risks & benefits của việc điều trị, bệnh nhân hoàn toàn ý thức và chấp nhận được điều trị (qua việc ký vào consent form) thì bác sỹ không có lỗi. Vậy nếu mình làm đúng thì sao phải sợ? Vì việc bị kiện sẽ mất rất nhiều thời gian của bác sỹ. Nếu việc điều trị diễn ra từ vài ba năm về trước thì việc ngồi lục lại treatment notes, phim xray, các thảo luận với bệnh nhân để chứng minh mình không sai chắc chắn sẽ mất kha khá thời gian, chưa kể đến việc phải làm việc với luật sư bảo vệ, có khi phải ra toà... Thời gian là vàng bạc, cứ mất một ngày làm việc là mất vài trăm đô, cộng thêm tổn thất tinh thần trong thời gian dài. Ngoài ra khi bác sỹ bị kiện, status của họ sẽ có thêm dòng đính kèm về việc đang có lawsuit cho đến khi nào vụ kiện bị bác. Tất nhiên không ai muốn tên của mình bị bôi nhọ cả. Cũng vì vậy mà ngay từ trước khi ra trường, các hãng bảo hiểm đã săn đón sinh viên mua “malpractice insurance” với đủ kiểu đủ loại của họ để phòng trường hợp bị kiện. Đa phần các post quảng cáo tìm bác sỹ đều có thêm yêu cầu bác sỹ phải có trang bị bảo hiểm malpractice hoặc nếu không thì tự họ sẽ mua cho bác sỹ . Không có bảo hiểm đồng nghĩa với việc không hành nghề. Ví dụ như trường hợp bác sỹ bị thua kiện, dù không bị tước bằng nhưng khi hãng bảo hiểm phải trả 1 triệu đô cho bệnh nhân, chắc chắn họ sẽ không nhận đại diện cho bác sỹ đó nữa. “No insurance = no dentistry”.

Bác sỹ thường bị phạt nặng hơn khi mắc lỗi - cũng như cảnh sát bị phạt nặng hơn vì biết luật mà phạm luật. Lỗi nặng nhất mà bác sỹ có thể phạm phải là tiết lộ thông tin bệnh nhân. Cứ mỗi 2 năm bác sỹ và tất cả những người làm trong ngành y phải học lại về luật HIPAA. Vi phạm luật này thì automatically mất bằng. Do đó mọi giấy tờ có tên bệnh nhân đều phải huỷ bỏ đúng quy trình. Mọi hình ảnh của bệnh nhân đều phải bảo vệ kỹ. Đối với sinh viên mà nói, laptop quý như sinh mạng. Do luật Hipaa, mọi laptop nếu muốn vào mạng lưới thông tin của bệnh nhân để có thể viết treatment notes hay sắp xếp lịch hẹn đều cần phải được bảo mật kỹ càng và được đăng ký với trường. Cũng vì lý do này mà đa phần các trường đều yêu cầu sinh viên sử dụng macbook vì bảo mật của Macbook tốt hơn các hãng khác. Nếu bị mất Macbook hay điện thoại (nếu điện thoại có thông tin/ hình ảnh bệnh nhân) thì bắt buộc phải báo ngay lập tức cho trường để xử lý kịp thời. Ngoài ra người ta cũng khuyến cáo không chụp hình bằng điện thoại nếu điện thoại bật chế độ tự động upload lên icloud/google photo/ etc mà nên chụp bằng máy chụp hình thường và giữ kỹ thẻ nhớ. Nếu chụp bằng điện thoại, lưu ý chụp sao cho không thấy mặt bệnh nhân hay có thông tin bệnh nhân trong bức ảnh.

Hiện nay nhiều bang đã hợp pháp hoá cần sa nhưng đó là cho người khác, không phải cho giới bác sỹ, y tá. Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy có sử dụng trong lúc điều trị bệnh nhân thì lawsuit treo ngay trước mắt. Điều này cũng dễ hiểu vì việc bác sỹ “get high” trong lúc điều trị sẽ khiến bệnh nhân mất niềm tin vào bác sỹ mà khi niềm tin không còn thì việc điều trị chắc chắn không hiệu quả. Lái xe lúc say xỉn cũng là một tội nặng khác. Người bình thường nếu bị bắt lái xe lúc có nồng độ cồn quá ngưỡng cho phép thì có thể bị tước bằng lái xe nhưng sau đó vẫn thi lại được. Bác sỹ nếu bị bắt tội này thì vô cùng mệt mỏi. Lúc bạn mình nói bác sỹ có thể bị tước bằng hành nghề nếu bị bắt DUI (driving under influence), mình đã vô cùng ngạc nhiên. Tìm hiểu kỹ hơn thì đúng là như vậy. Nếu bị bắt, bác sỹ sẽ ngay lập tức phải báo cáo đến hội đồng y khoa tại bang mình ở. Hội đồng sẽ xem xét và yêu cầu bác sỹ phải đi điều trị nghiện rượu, sau đó bị thẩm vấn để xem có ăn năn hay chưa, có đủ điều kiện sức khoẻ, tinh thần để tiếp tục điều trị bệnh nhân hay không… Và ngay cả khi trải qua tất cả những điều đó, khả năng bị tước bằng vẫn rất cao.

Để kết thúc mình xin kể một câu chuyện. Vài năm về trước có một bác sỹ nội trú khoa phẫu thần kinh chỉ còn vài tháng là hoàn thành chương trình và được cấp bằng hành nghề. Một ngày kia cô đi tiệc tùng với bạn bè và có hơi quá chén. Không biết vì lý do gì cô đã ẩu đả với tài xế uber. Xui xẻo là điều này có nhiều người chứng kiến và tất nhiên người ta sẽ chụp/quay lại và post lên mạng xã hội. Video này nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội. Nếu là người khác, họ có thể phải chịu đựng một thời gian sự nổi tiếng bất đắc dĩ rồi thì mọi việc cũng chìm xuồng. Nhưng đây lại là một bác sỹ dù chưa có bằng hành nghề. Không cần biết đúng hay sai, cô này lập tức bị sa thải tại bệnh viện nơi mình thực tập. Khổ nỗi một khi bạn đã bị sa thải khỏi chương trình nội trú, khả năng bạn được nhận vào một bệnh viện khác hay một chương trình khác gần như impossible. Cuối cùng cô có degree là bác sỹ nhưng không có bằng hành nghề nên mất tất cả sự nghiệp. Đó là chưa tính đến số tiền nợ khổng lồ cho mười mấy năm học đã sắp đến đích. Đây là câu chuyện có thật mà các thầy cô dùng để răn dạy (đe doạ) các sinh viên về sức mạnh của mạng xã hội và vì sao luôn phải cư xử đúng mực, cẩn thận dù ở bất cứ đâu. Có lẽ vì vậy mà từ thời còn là sinh viên, ai cũng mang tâm lý sợ mạng xã hội. Lúc mình mới vào học, trường phát cho một tờ giấy với nội dung đồng ý cho trường post hình ảnh có mặt mình lên trang web/facebook của trường. Nếu mình không đồng ý ký vào, khi trường chụp hình các hoạt động mà vô tình mặt mình dính vào thì trường không được phép post hình đó. Post trước của mình có chia sẻ hình ảnh của bạn mình trong chuyến đi Hawaii – tất nhiên cũng đã được sự cho phép của cô ấy. Post này không thật sự nằm trong chủ đề chính của trang, nhưng mình vẫn muốn chia sẻ để các bạn hiểu hơn một chút về cuộc sống ở Mỹ. Hy vọng các bạn thích chủ đề này ^^

- Be Smart! Be Brave! Be Fabulous! -