Vietnamese

Cuộc sống ở Mỹ thời Virus

1) Ở Mỹ bị bệnh có bị cách ly hay không?

Không! Ở Mỹ bị bệnh thì cũng chỉ cách ly ở nhà, và những người ở cùng nhà được khuyến cáo tạm nghỉ làm 14 ngày. Chuyện lương bổng thì tuỳ trường hợp – nếu người nhà có thể làm việc online thì vẫn làm việc bình thường không cần vào công ty, còn nếu người nhà không thể làm việc online thì sẽ được nghỉ có lương (với điều kiện được khuyên nghỉ bởi bác sĩ chứ không phải tự ý nghỉ). Nếu trong nhà có người cao tuổi hoặc người có tiền sử bệnh thì có thể ở tạm tại các motel do chính phủ mua. Nói chung là nếu bệnh thì đóng cửa bảo nhau thôi, hàng xóm láng giềng cũng không biết. Được cái ở Mỹ nhà nào nhà nấy kín bưng, hàng xóm cũng ít tụ tập nói chuyện nên khả năng truyền virus ra ngoài rất khó

 

2) Ở Mỹ khi xác nhận bị bệnh thì như thế nào?

Ở đâu thì nguyên đó, không có gì thay đổi. Người nhà mình bị bệnh được vài ngày thì xin đi test, test xong cả 7-10 ngày trời mới nhận được kết quả vì hệ thống bị overwhelmed do quá nhiều người đi test. Vì vậy đến lúc CDC gọi điện thoại tới nhà thông báo kết quả dương tính thì đa phần người nhà mình đều hết bệnh rồi. Trong suốt thời gian đó, dù không biết có bị virus hay không thì mọi người đã tự cách ly rồi. Nhà có ông nội 95 tuổi thì bắt ông ở trong phòng không được xuống nhà vì cả nhà bệnh hết, chỉ ngày 3 bữa đem đồ ăn lên cho ông. Hiện tại ông cũng bị dương tính nhưng tạm ổn không có dấu hiệu gì bất thường.

 

3) Ở Mỹ nếu bệnh thì bác sĩ chữa như thế nào?

Như đã nói, CDC chỉ gọi báo kết quả dương tính rồi thôi - không cần đến bệnh viện trừ trường hợp trở nặng, khó thở… Trong trường hợp của gia đình chị họ mình thì mọi người có kết quả sau khi đã hồi phục nên càng không cần đến bệnh viện. Gia đình chị có đưa ông tới bệnh viện khám vì ông hơi sốt nhẹ. Bác sĩ cũng chỉ đo lượng Oxy, kiểm tra máu các thứ xong cho ông về vì lượng Oxy vẫn đầy đủ chứng tỏ phổi không bị tổn thương. Từ ngày đầu đến nay, nghe nói là gia đình chỉ uống Tylenol mỗi lần bị sốt, bình thường thi uống nước ấm, rồi nước chanh gừng các thứ như khi bị cảm, rồi tẩm bổ này nọ.

 

4) Phản ứng của đại gia đình mình thế nào khi hay tin có người trong nhà bị COVID-19?

Bình thường J Nói chung thì từ đầu tháng 3 sau khi mình dọn nhà xong thì các anh chị em họ cũng không tụ tập nữa vì tình hình dịch bệnh. Tuy vậy anh chị em họ vẫn chat trêu chọc nhau mỗi ngày cho vui vì ở nhà không chán quá. Đến lúc chị họ đi test thì ngồi chờ kết quả như chờ xổ số mỗi ngày. Thiệt tình mà nói thì do đều là người trẻ, lại không có bệnh tật gì sẵn nên không ai lo lắng gì. Chỉ có lúc hay tin 1 người bác của mình bị bệnh khi cơ thể vốn dĩ ốm yếu sẵn thì cả đám có lo lắng chút – may mắn bác mình qua khỏi chỉ sau 2,3 ngày (người ta nói tại bác mình có sẵn sốt rét nên chắc bình phục nhanh hơn). Tới khi nghe chị họ nói là ông nội chị bị sốt thì cả đám cũng lo, nhưng rồi ông cũng khoẻ. Ngoại trừ 2 lúc đó thì cả nhà bình chân như vại.

 

Tóm lại, con virus này cũng hên xui lắm, cũng có những người trẻ khoẻ phải vào viện dùng máy thở, cũng có người già yếu lại không làm sao. Mọi người đọc báo hằng ngày thấy chết chết chết nhưng không phải như vậy, không phải cứ bị con virus này dính vào là chết đâu. Tất nhiên chúng ta vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt social distancing hoặc stay-at-home order, vì tỷ lệ chết của con virus này cũng tương đối cao mà chưa có cách chữa trị chính thức (mọi kiểu chữa chỉ là thử nghiệm). Sống có ý thức, chứ không phải là sống trong hoảng loạn. Mình upload ở đây ảnh chụp màn hình từ facebook của chị họ mình chia sẻ về 14 ngày sống chung với Virus để các bạn tiện theo dõi.

Love,

91258615_10157811354021839_2891196796246163456_n.jpg
91324711_10157811354046839_1658253475319906304_n.jpg

#Flattenthecurve Ngày thứ 3

Chúng ta đang sống trong giai đoạn lịch sử - 20, 30 năm nữa không chừng các lứa học sinh sẽ được học dịch bệnh càn quét cả thế giới khiến hàng chục ngàn người tử vong. Ngay cả tổng thống Donald Trump cũng tự gọi mình là “a wartime president” tức tổng thống trong thời kỳ chiến tranh. Mình tạm không bàn về chính trị ở đây mà chỉ muốn nói rằng đây là thời kỳ chưa từng có tiền lệ và không dự đoán được.

 

Mình nhớ những lúc ngồi trong các quán cafe nghe nhạc, đọc sách và lên các kế hoạch dự định cho tương lai. Những ngày này mình chỉ ngồi ở nhà, mở tv suốt ngày để xem có tin gì mới về virus và nghĩ về những thay đổi to lớn xảy ra chỉ trong vài tuần lễ. Chỉ mới 3 tuần trước mình còn bay đi Colorado chơi, thăm trường cũ, thăm bạn bè, bàn tán về tình hình dịch bệnh ở nước này nước kia, hào hứng về căn hộ mình mới mướn và sắp dọn vô vì nó rất gần chỗ làm. Vừa dọn vào 2 tuần thì “thất nghiệp” ở nhà ít nhất 2 tháng. Dù bạn ở Mỹ hay Việt Nam, mình cầu chúc tất cả mọi người và gia đình nhiều sức khoẻ và luôn giữ được tinh thần lạc quan.

 

Tiện đây mình xin chia sẻ một vài suy nghĩ về mối liên hệ giữa nha khoa và dịch bệnh. Mình tham gia vào rất nhiều các group nha sĩ Mỹ trên facebook: Dental Nachos, Dental Hacks Nation, The business of Dentistry,… và tất cả các admin đều kêu gọi các nha sĩ tạm gác tay khoan nghỉ ở nhà một thời gian. Dưới đây là một vài lý do được nêu ra.

corona.jpg

  Thứ nhất, khi sử dụng tay khoan, đầu cạo vôi, chúng ta tạo ra rất nhiều aerosols ("aerosol là từ để chỉ các chất lơ lửng trong không khí ở tầng thấp, bao gồm hạt bụi, khói, nước, hạt kim loại nặng...” - theo báo Tuổi Trẻ). Các hạt nước bắn ra bao gồm nước phun ra từ tay khoan, nước bọt và có khi cả máu của bệnh nhân. Nếu một trong các bệnh nhân của chúng ta nhiễm virus mà chưa có triệu chứng do đang trong thời kỳ ủ bệnh, khả năng chúng ta bị lây nhiễm là khá cao dù cho có đeo khẩu trang. Hơn nữa, hiện nay WHO cho rằng virus có thể lơ lửng trong không khí đến 4 giờ đồng hồ nên nguy cơ các nhân viên phòng nha cũng như các bệnh nhân đến sau vô tình lây nhiễm là có thật. Hiện nay các chính phủ đều khuyến cáo “social distancing” hay “cách ly xã hội” tức giữ khoảng cách 1.8m với người kế bên trong khi chúng ta chỉ cách miệng của bệnh nhân khoảng 0.5m hoặc ít hơn khi làm việc. Do đó, đóng cửa phòng mạch hoặc hạn chế chỉ chữa những ca cấp cứu (nhiễm trùng, đau răng…) chính là tự bảo vệ bản thân, nhân viên, cộng đồng và hạn chế phát tán dịch bệnh.

  Thứ hai, đóng cửa phòng mạch để dành PPE (personal protectice equipment – khẩu trang, găng tay, gown y tế) cho các bác sĩ, y tá làm việc trong bệnh viện. Thông thường mỗi bệnh nhân ngồi trên ghế thì bác sĩ và 1 y tá nha khoa sẽ phải dùng ít nhất 2 khẩu trang, 2 đôi găng tay. Ở Mỹ, nếu phòng nha chỉ nhận bảo hiểm nha khoa tư nhân thì một bác sĩ trung bình sẽ có 9,10 bệnh nhân một ngày, nghĩa là sẽ phải dùng ít nhất 20 khẩu trang, 20 đôi găng tay trong khi các bác sĩ, y tá làm việc trong bệnh viện có khi phải dùng lại 1 khẩu trang đến ngày thứ hai. Nếu phòng nha nhận thêm bảo hiểm nhà nước, thông thường một bác sĩ sẽ điều trị 25-30 bệnh nhân thì số lượng khẩu trang sử dụng mỗi ngày sẽ còn cao như thế nào.

  Thứ ba, bạn có thể cho rằng bản thân còn trẻ, khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì nên không cần lo, có bị nhiễm cũng không sao. Sự thật là, những người trẻ tuổi khoẻ mạnh vẫn có thể bị nặng phải nhập viện. Nếu bạn khoẻ mạnh, cơ thể bạn sẽ chống virus tốt hơn nên chưa chắc là sẽ mất mạng do virus, nhưng có khi lại chết nếu không có máy thở để trợ giúp trong giai đoạn điều trị. Nếu tất cả những người trẻ tuổi khoẻ mạnh vi vu ra đường trà chanh chém gió như bình thường thì dù tỷ lệ bị nặng thấp hơn người già, số lượng người nhập viện cũng sẽ tăng lên nhanh chóng và khi đó sẽ không có đủ máy thở cho tất cả bệnh nhân. Ở Ý có bài báo nói rằng một vài bệnh viện quyết định trả về nhà tất cả các bệnh nhân 80 tuổi trở lên “vì có cứu khả năng sống sót cũng không cao nên thà cứu những người trẻ hơn”. Hãy tưởng tượng họ là ông bà mình bị trả về nhà chờ chết, có đau xót không? Nếu bạn phải nhập viện và một cụ ông cụ bà nào đó phải nhường máy thở của mình cho bạn chỉ vì bạn thích đi tiệc tùng, vui chơi như bình thường thì bạn thật sự ích kỷ. Cứ cho rằng bạn thật sự khoẻ mạnh và chỉ bị vài triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ, ho… và không cần đến máy thở thì bạn vẫn có thể lây bệnh cho vợ/chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, bạn bè – nhưng người có sức khoẻ yếu hơn và có thể không được may mắn như bạn.

image-450w-1633100746.jpg

 

Mình đọc rất nhiều ý kiến cho rằng tất cả chỉ là một trò thổi phồng sự thật của cánh nhà báo nhằm reo rắc nỗi sợ và kiếm lợi nhờ đó. Thật sự thà mình cẩn thận quá mức vẫn hơn là lơ là để rồi hối tiếc sau này. Mình cũng đọc ý kiến nhiều bác sĩ cho rằng không cần phải đóng cửa phòng nha và vẫn làm đầy đủ các dịch vụ - cạo vôi, mài cùi, trám răng… Thật lòng mà nói, mình không quan tâm cho lắm vì mình tự thấy cái gì đúng thì mình làm. Trong thời điểm nhiễu nhương này, có quá nhiều điều chúng ta không biết về dịch bệnh này. Có thể khi mọi thứ qua đi, mọi người mới nhận ra là nó không quá tệ như mình tưởng (hy vọng là vậy). Bạn phải là người tổng hợp thông tin, cân nhắc, đánh giá và tự quyết định điều gì bạn tin là đúng đắn. Một người nào đó cho rằng đi thu gom hết xà phòng, khăn giấy để kiếm lời không có nghĩa là bạn cũng bắt đầu làm như vậy. Mình cho rằng việc tốt nhất là làm hết khả năng có thể để ngừa dịch bệnh nhưng không nên hoảng loạn, không được thu gom nhu yếu phẩm với mục đích kiếm lời trên sự khó khăn của người khác, gọi điện thăm hỏi gia đình bè bạn, trở về với thân tâm của mình và học cách sống đơn giản hơn.

 

Nếu bạn cũng chọn cách ở nhà giống như mình, bạn có thể dùng thời gian này để hiểu rõ hơn về bản thân, hoàn thành những project nho nhỏ mà mãi chưa thực hiện được, dành thời gian đọc những cuốn sách còn đang xếp xó, hoặc thử một vài sở thích mới như yoga, vẽ, hát… Dưới đây là một vài quyển sách mà nhiều bác sĩ nha khoa nổi tiếng ở đây giới thiệu mà mình đang muốn đọc, bạn có thể tham khảo.

 Start with why: How Great Leaders Inspire Everyone To Take Action

Extreme Ownership: How U.S. Navy SEALs Leads And Win

 Profit First: Transform Your Business From A Cash-Eating Monster To A Money-Making Machine

The 4 Disciplines of Execution: Achieving Your Wildly Important Goals

Hoặc một vài cuốn sách mình đã đọc và thấy rất thích xin chia sẻ với các bạn

#GirlBoss 

Grit: The Power of Passion and Perseverance

Titans of Dentistry: How The Top Performers Think And Act Differently

Eat, Pray, Love: One Woman’s Search For Everything Across Italy, India, And Indonesia

 

Kỳ thi quan trọng nhất trong sự nghiệp của nha sĩ Mỹ như thế nào?

Ở post trước mình đã giới thiệu về kỳ thi board của nha sỹ Mỹ, hôm nay mình sẽ phân tích kỹ hơn về kỳ thi này để mọi người hiểu rõ hơn. Nếu các bạn chưa đọc post trước, xin click link để hiểu thêm mối liên hệ giữa kỳ thi board và license nha sỹ.

Thông thường việc chuẩn bị cho kỳ thi board diễn ra vài tháng trước kỳ thi. Mình chọn thi board vào tháng 8 bởi lý do chính là vì mình sợ… rớt. Mình tốt nghiệp vào tháng 12 và theo như mình tính toán thì nếu rớt đợt tháng 8, mình có thể thi lại vào tháng 11 – như vậy thì mình vẫn có thể pass board trước khi tốt nghiệp (thí sinh phải chờ 3 tháng mới được thi lại). Từ tháng 1, 2 nhà trường đã bắt đầu họp sinh viên lại để phổ biến thông tin và khoảng tháng 5 là bắt đầu tất bật chuẩn bị. Mình thật sự không nghĩ được là lại có nhiều việc đến như thế, từ những việc chính như chọn ngày screen bệnh nhân, mời thầy cô trợ giúp, soạn thảo flyers, phân chia công việc trong lớp, liên hệ staff để chuẩn bị dụng cụ, phim cho buổi screen… cho đến những công việc không tên khác.

Screen bệnh nhân là công việc quan trọng nhất để tìm đủ bệnh nhân cho cả lớp – vì vậy việc tự giác của mỗi thành viên là vô cùng quan trọng. Mình may mắn lớp mình rất đoàn kết nên mọi người tự động đi khắp nơi để tìm bệnh nhân – từ chia nhau đi các nhà thờ, đền thờ cho đến các siêu thị hay các event cuối tuần. Mỗi người tự chịu trách nhiệm in hàng trăm flyers đi khắp nơi cũng như đóng góp để dịch thành nhiều thứ tiếng từ tiếng Việt, tiếng hoa, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Arab… Các sinh viên có nhiều bạn bè ở Denver thì kêu gọi bạn bè đến screen để tìm bệnh nhân, tất nhiên họ sẽ được ưu tiên nhận bệnh nhân trực tiếp và khi đủ bệnh nhân thì họ đều chuyển bệnh nhân lại cho các bạn khác trong lớp. Bản thân mình cũng may mắn được chuyển 1 bệnh nhân sâu răng vào phút cuối vì bệnh nhân kia của mình không đạt chuẩn (sâu quá nhỏ). Vào ngày thi, có một vài bạn không thấy bệnh nhân xuất hiện, thế là cả lớp ai có bệnh nhân sơ-cua thì gọi mời ngay lập tức khiến mình hết sức cảm động và tự hào về lớp mình.

Các kỳ thi board thường có format hơi khác nhau một chút, nhưng tựu chung lại thì đều gồm có các phần cơ bản như thi Operative (xoang II là chính, xoang III tuỳ board quy định), Perio (Scaling and Root Planing một phần tư hàm), Endo (một răng cửa, một răng cối), và Pros (1 mão răng và 1 cầu răng). Đa phần Operative và Perio là bắt buộc, còn Endo và Pros thì tuỳ từng bang quy định. Do đó trước khi thi, sinh viên/bác sĩ phải gọi điện thoại trực tiếp lên bang mình muốn làm việc để xác nhận là có cần Endo và Pros không để đăng ký cho đúng. Operative và Perio sẽ thi với bệnh nhân thật còn Endo và Pros sẽ thi trên typodont ở lab. Mình chỉ thi 1 board duy nhất là WREB nên mình sẽ chỉ viết về WREB thôi, tuy nhiên các board khác sẽ tương đối giống như vậy.

realt.png

The website where I bought teeth to practice for board

Trước khi thi khoảng vài tuần, thí sinh sẽ biết được mã số của mình và mình thuộc nhóm nào. Tuỳ theo nhóm mà mình sẽ thi phần nào trước. Mình nhóm C nên thi Operative buổi sáng, Pros buổi chiều ngày thứ nhất và thi Endo buổi sáng, thi Perio buổi chiều ngày thứ hai. Mỗi board có các giáo viên được certified để chấm thi. Khi thi tại trường nào thì giáo viên trường đó không canh thi và cũng không chấm thi để đảm bảo công bằng. Giữa khu vực thi và khu vực chấm điểm cũng không được thấy mặt nhau. Trong lúc thi, ở những bước cần chấm điểm trước khi thực hiện bước kế tiếp (ví dụ chấm điểm tạo xoang trước rồi mới trám tiếp) thì thí sinh sẽ gửi bệnh nhân lên lầu trên để chấm điểm – bệnh nhân sẽ có mã số là mã số của thí sinh. Sau khi bệnh nhân gặp giám khảo xong thì sẽ quay xuống lầu dưới để gặp thí sinh và tiếp tục procedure.

Thi Perio, Endo, Pros thì tương đối dễ hiểu, chỉ có thi Operative là phức tạp nhất. Khi thi, thí sinh phải tạo một xoang trám lý tưởng – open contact với răng kế bên, các thành ngoài, trong và bờ nướu phải cách răng kế bên đúng 0.5mm… sau đó nếu còn sâu răng, thí sinh sẽ phải xin phép giám thị coi thi được mài thêm (gọi là modification với công thức – modify external/ internal, mở thêm ở đâu, bao nhiêu – thường là xin thêm 0.5mm, vì lý do gì – còn sâu, demineralized dentin,…) Nếu giám thị thấy yêu cầu hợp lý sẽ cho phép, còn nếu không hợp lý thì không được phép làm và sẽ bị trừ điểm. Sau khi tạo xoang xong và cảm thấy chắc chắn đã đạt yêu cầu thì mình sẽ gởi bệnh nhân đi chấm điểm. Nếu giám khảo kiểm tra thấy còn sâu, hoặc còn demineralized dentin thì sẽ chấm rớt môn Operative. Đến phần trám răng cũng có những yêu cầu hết sức khắc khe riêng.

Đối với thi Perio thì rất đơn giản. Giám khảo chấm thi nếu phát hiện còn sót 1 miếng vôi thì trừ 0.5 điểm, sót 2 miếng thì trừ 1 điểm, còn sót 3 miếng thì rớt. Thi Endo trên răng typodont có hệ thống ống tuỷ và thi 2 răng – răng cửa và răng cối lớn. Đối với răng cối lớn thì chỉ cần mở tuỷ đủ để thấy cả 4 ống tuỷ, nếu mở hẹp quá hoặc rộng quá thì đương nhiên bị trừ điểm. Đối với răng cửa thì làm từ A đến Z bao gồm mở tuỷ, tạo dạng ống tuỷ và obt ống tuỷ. Thi Pros thì thường sẽ mài 1 răng cửa cho mão toàn sứ và mài cẩu răng sau cho mão kim loại.

Sau 2 ngày thi, kết quả sẽ có rất sớm do điểm thi đã có sẵn sau từng phần thi. Nếu rớt 1 trong 4 môn thì thí sinh chỉ cần thi lại một môn đó trong đợt thi sau (tại 1 trường khác) nếu rớt 2 trong 4 môn thì thí sinh phải thi lại toàn bộ 4 môn. Chỉ cần thí sinh thi đậu board thì coi như chắc chắn có license vì chắc chắn các điều kiện còn lại đều thoả mãn (đậu part 1,2 và tốt nghiệp từ 1 trường nha khoa của Mỹ).

Kỳ thi board là kỳ thi quyết định trong sự nghiệp của một nha sĩ Mỹ, do đó áp lực của kỳ thi là không hề nhỏ. Ai cũng đều muốn mọi việc hoàn hảo nhất có thể và hoàn thành tốt đẹp để tự tin tốt nghiệp. Có những bạn trong lớp mình không chỉ thi 1 board mà thi 2 hoặc 3 board – đa phần là các du học sinh không có người nhà ở Mỹ nên họ sẽ đi bất cứ bang nào có job offer tốt nhất mà đậu nhiều board thì cơ hội việc làm sẽ càng cao hơn. Vậy thì international dentist kiếm việc khó hay dễ và liệu họ có gặp vấn đề kỳ thị hay không? Đó sẽ là chủ đề chính của post sau ^^

Bác sĩ RHM Mỹ xin license như thế nào

Hôm nay có chút thời gian rảnh rỗi, mình quyết định viết thêm về vấn đề xin license ở Mỹ cho dễ hiểu hơn với các bạn ở Việt Nam. Ở Mỹ, việc cấp license là việc của từng tiểu bang – ví dụ như mình đã có license ở Washington State nhưng một ngày đẹp trời nào đó mình muốn chuyển qua Texas ở thì sẽ phải xin license của Texas. Mặc dù mỗi tiểu bang có requirements khác nhau cho license (ví dụ như phải qua kỳ thi đạo đức, có chứng chỉ học về HIV, hoàn tất 1 năm sau đại hoc,…) nhìn chung họ đều đòi 3 items cơ bản như sau:

1) Thi đậu NBDE Part 1 &2 – và tương lai thì INBDE từ năm 2020

2) Tốt nghiệp từ 1 trường nha khoa Hoa Kỳ/Canada

3) Thi đậu "kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề"

Thi đậu NBDE

Item này tương đối đơn giản và là bước cơ bản nhất mà bác sỹ nước ngoài nào cũng phải đạt được, bởi đây là điều kiện bắt buộc để nộp đơn vô Advance Standing Program của bất cứ trường nha khoa nào. Để thi NDBE, bạn phải nộp đơn qua ADA. Không hề có yêu cầu nào về greencard hay quốc tịch để thi kỳ thi này. Mình đăng ký thi năm 2014 và bay qua Mỹ thi bằng visa du lịch. Trước khi đăng ký thi, bạn sẽ phải đăng ký ADA để lấy số DENTPIN. Số này giống như 1 dạng CMND nhưng dùng cho nha khoa và con số này là con số đi theo bạn cả đời (nếu bạn đi theo con đường nha khoa). Họ sẽ yêu cầu bạn khai các thông tin cá nhân cũng như nộp bằng tốt nghiệp tại home country để chứng minh bạn thật sự là 1 bác sỹ nha khoa. Sau khi có DENTPIN, bạn sẽ được quyền apply để thi NBDE. Đối với sinh viên Mỹ thì họ sẽ thi Part 1 vào cuối năm 1 và Part 2 vào năm 3. Chi phí cho kỳ thi Part 1 (thông tin năm 2018) là $425, kèm thêm $210 cho international dentists vì họ phải thêm công đoạn tra cứu thông tin. Chi phí cho kỳ thi Part 2 là $475 cộng thêm $210. Bắt đầu từ tháng 8/2020, họ sẽ chuyển sang format mới là INBDE. Để biết sự khác nhau giữa 2 format, vui lòng click vào link để đọc thêm.

Tốt nghiệp từ 1 trường nha khoa Hoa Kỳ/Canada

Ở Mỹ có những tổ chức chuyên đi đánh giá các trường từ lớn đến nhỏ. Việc mở trường học ở Mỹ khá dễ dàng, nhưng chỉ trường nào qua được yêu cầu khắc khe của các tổ chức này thì bằng cấp của họ mới có giá trị (vài năm trước nhiều du học sinh Việt Nam bị lừa cho đi học ở các trường không được công nhận). Tổ chức này trong nha khoa gọi là CODA - Commission on Dental Accreditation.

Ở Việt Nam có sự nhầm lẫn về việc các trường trong nước có được “công nhận” hay không. Tất nhiên là họ có công nhận các trường này, do đó khi chúng ta nộp bằng tốt nghiệp lên ADA mới được công nhận là foreign dentist và cho phép chúng ta học thêm 2 năm để đủ điều kiện xin license thay vì học lại từ đầu mất 4 năm. Tuy nhiên các trường nước ngoài này không phải là CODA-accredited schools. Để được xin license, bạn phải tốt nghiệp từ 1 CODA-accredited dental schools. Để tìm hiểu thêm chương trình học 2 năm ở Colorado mà mình đã học, xin click vào link.

Đậu "kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề" Mỹ

Đây lại là 1 nhầm lẫn khái niệm khác ở Việt Nam. Khi mình thi đậu kỳ thi này vào tháng 8, nhiều bạn đã hỏi mình là mình thi xong rồi thì có phải đi học nữa không, thi đậu rồi thì có license, được đi làm luôn hả. Thật ra ở Mỹ, sinh viên được thi kỳ thi này từ trước khi tốt nghiệp để đến khi tốt nghiệp rồi thi được apply cho license ngay không phải chờ đợi. Kỳ thi này ở Mỹ không gọi là “license exam” mà gọi là Board exam, và là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời bác sĩ Mỹ. Kỳ thi này khó bởi đây là kỳ thi lâm sàng chứ không phải là lý thuyết như NBDE nữa và vì nó liên quan đến bệnh nhân nên mức độ khó và stress cực kỳ cao. Hầu như sinh viên, bác sĩ nào cũng sụt mất vài ký khi chuẩn bị thi. Do thi đậu board là cửa ải cuối cùng để apply cho license (thi trong vài tháng cuối trước khi tốt nghiệp nên coi như chắc chắn tốt nghiệp rồi), nên khi các sinh viên thi đậu xong board thì coi như chắc chắn có tiền đồ. Vậy kỳ thi này chính xác là như thế nào?

Về cơ bản, có 5 board exam mà sinh viên có thể lựa chọn, mỗi board exam này có hình thức hơi khác 1 chút và location/time cũng khác nhau. Nhiệm vụ của sinh viên là phải tìm hiểu xem tiểu bang mà mình muốn ở và làm việc chấp nhận board nào. Một số bang như Washington State nhận tất cả các board trong khi Maryland, Florida,… chỉ nhận 2 board mà thôi. Ví dụ như nếu mình thi WREB, mình có thể xin license ở Washington state, California, Colorado… nhưng nếu mình di chuyển qua bờ Đông nước Mỹ để ở thì mình sẽ phải thi board lại. Các tổ chức này sẽ phối hợp với các trường để mượn clinic cho kỳ thi board, và cứ mỗi tháng họ lại thi 1 lần nhưng ở các trường khác nhau. Tuỳ theo sinh viên tốt nghiệp vào thời điểm nào trong năm mà lựa chọn thi ở đâu. Tất nhiên nếu được thi ở trường mình là tốt nhất vì đã quen với đường đi lối về của clinic và quan trọng nhất là không phải mua vé máy bay và hotel cho bệnh nhân. Bạn mình có gia đình ở Maryland nên phải thi kỳ thi ADEX mà trường mình thi không có kỳ thi này, do đó phải bay qua New York để thi đem theo 2 bệnh nhân qua đó – bao tiền vé và ăn ở. Các bạn khác thì thích nắng ấm vùng nhiệt đới nên bay qua Florida thi vào tháng sau đó.

Tại sao phải đem bệnh nhân theo với mình mà không tìm bệnh nhân ngay tại nơi thi cho tiện? Ai thi board ở Mỹ sẽ hiểu, bệnh nhân board quý như vàng và cưng chiều như trông con mọn. Bệnh nhân nhất thiết phải có bệnh (sâu răng hoặc nha chu) nhưng không được quá nhẹ, cũng không quá nặng. Bệnh nhân cũng không đuợc có các vấn đề nặng khác (bênh nhân nha chu đủ chuẩn nhưng có răng sâu sát tuỷ chẳng hạn) hoặc các bệnh nặng về sức khoẻ kiểu như cao huyết áp không kiểm soát (nhỡ đâu đang thi bệnh nhân huyết áp lên cao phải đi cấp cứu thì sao 😅) Nếu thi tại chỗ, bệnh nhân chỉ cần nghỉ 1-2 ngày làm việc (thường thi thứ 6, thứ 7) nên sẽ dễ tìm bệnh nhân hơn, và nếu bệnh nhân bất ngờ không đến ngày đó thì cũng có thể tìm được backup. Nếu thi ở bang khác và muốn tìm bệnh nhân ở đó, làm sao để bạn có phim xray, screen bệnh nhân về các vấn đề răng miệng, sức khoẻ, khám xem bệnh nhân có “qualified” cho board exam không, nói chuyện với bệnh nhân về ngày thi… là 1 chuyện rất khó.

Chi tiết kỳ thi như thế nào thì… xin đợi sang tuần sau sẽ viết tiếp 😊

!Nha khoa Hoa Kỳ - chi phí học – phần 2

Hôm nay mình chia sẻ tiếp về chi phí học nha khoa Hoa Kỳ, tuy nhiên thông tin của mình chỉ đúng cho CUDenver – nếu các bạn muốn tìm về từng trường cụ thể xin truy cập website của trường vì các trường rất minh bạch về vấn đề này. Đa phần các bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ tốt nghiệp với một khoản nợ khổng lồ, trung bình là khoảng 200 ngàn đô la và không hiếm người nợ lên tới nửa tỷ đô. Vậy thì sinh viên nha khoa phải chi trả những gì trong quá trình học của mình?

Khoản tiền khổng lồ nhất là tiền học phí đóng cho trường. Đối với chương trình ISP thì tuition không có gì khác biệt giữa resident/ non-resident. Khi mình nhập học, tuition cho 1 năm là khoảng 75 ngàn. Chủ trương của trường là cố gắng giữ mức học phí tương đối ổn định, không tăng quá nhiều như nhũng trường khác – tuy nhiên hiện nay mình vừa vào đọc thông tin thì tuition 1 năm đã là 81 ngàn và sẽ tăng dần một chút mỗi năm. Đối với chương trình bình thường, trường áp dụng mức học phí khác nhau cho sinh viên thuộc tiểu bang Colorado và sinh viên từ các bang khác tới. Mức học phí cho sinh viên sinh sống tại CO là khoảng 36 ngàn trong khi sinh viên ngoài tiểu bang là 61 ngàn. Như vậy, tuition 2 năm của sinh viên ISP bằng tuition 4 năm hay hơn của một số sinh viên của chương trình thường.

Ngoài khoản tiền tuition luôn được trường trừ trực tiếp, sinh viên chịu trách nhiệm trả thêm nhiều khoản tiền khác. Ở CO mình phải trả tiền mượn dụng cụ khoảng $7000 mỗi năm, tức gần $15000 cho 2 năm. Vừa rồi khi tốt nghiệp mình phải trả lại gần hết dụng cụ đã dùng trong 2 năm (trường cho lại một số dụng cụ làm quà tốt nghiệp) và staff kiểm tra rất kỹ lưỡng. Staff ở CO rất dễ thương nên đa phần họ xí xoá cho qua nếu không mất dụng cụ quá đắt tiền. Trường cũng có chính sách là nếu list dụng cụ mất tổng cộng khoảng $200 thì trường cho luôn không charge tiền. Tuy nhiên dụng cụ ở đây không chỉ là dụng cụ học trong lab mà tính luôn cả dụng cụ mình check out khi làm bệnh nhân nên đôi khi xui nhiều hơn hên. Anh bạn mình mất nguyên một khay dụng cụ để trám răng mà khay đó gồm hơn 20 món lớn nhỏ. Mình may mắn chỉ mất một kềm tháo mão nên được cho qua.

Khoản tiền mua sách cũng là một gánh nặng cho sinh viên. Tất cả sinh viên bắt buộc phải mua các đầu sách giống nhau và bởi số lượng sách quá lớn – 48 cuốn sách – nên nhà trường dùng ebook toàn bộ. Vậy cho nên mình có muốn tiết kiệm mua sách cũ cũng không được. Điều hay là với ebook, sinh viên sẽ luôn được update bản mới nhất cho đến khi tốt nghiệp thì sẽ không được update nữa nhưng vẫn có thể đọc sách được. Tiền sách tổng cộng là $5200 chia ra làm 4 kỳ đóng tiền. Ngay từ lúc orientation trường đã dành một buổi để hướng dẫn sinh viên tạo tài khoản trên vitalsource và download sách – do đó không có khả năng download sách lậu đâu nha.

Mình không biết các trường khác thì sao nhưng sinh viên truờng mình được yêu cầu bắt buộc phải dùng macbook với cấu hình nhất định. Không phải là dùng macbook cho sang mà xét về an ninh thì macbook rất đáng tin cậy. Như mình có viết trước đây về luật HIPAA – luật bảo mật thông tinh bệnh nhân – trường không tin cậy các hãng máy tính khác về độ bảo mật khi laptop của sinh viên thường chứa bao la hình ảnh, thông tin cũng như phần mềm truy cập hệ thống clinic của trường. Hơn nữa laptop giống y như tính mạng của sinh viên vậy, laptop hư là không học hành được, không book lịch bệnh nhân được nên chỉ có apple với các chính sách bảnh hành của hãng là được tin tưởng. Do vậy mình phải trả thêm hơn $1000 cho 1 cái laptop mới huhu.

Loupes là vật bất ly thân với sinh viên nha khoa. Trong tuần orientation, trường dành một buổi để khoảng 4,5 công ty nha khoa đến giới thiệu về sản phẩm kính loupes của công ty mình để sinh viên có thể lựa chọn. Do kính loupes được cá nhân hoá tối đa, mỗi sinh viên sau khi lựa chọn hãng kính sẽ được nhân viên hãng đo đạc các chỉ số cụ thể như tiêu cự, khoảng cách từ mắt sinh viên cho đến đầu bệnh nhân. Loupes thì có nhiều mức giá. Theo như mình đọc thì loupes khoảng từ $500 trở lên mới dùng được. Tuy nhiên trường yêu cầu mua loupes khoảng $1500 thì mới đủ chất luợng. Mình chọn loupes của Q-optics giá hình như $1200 và trả thêm mấy trăm đô nữa cho đèn đi kèm với loupes. Ưu điểm của Q-optics là họ có removable lens cho nên mình có thể dùng contact lens hoặc kính tuỳ thích. Hơn nữa kính của họ thuộc nhóm rẻ nhất. Bạn mình mua kính loại có thể chỉnh kính phóng đại từ 3x-5x – loại này khoảng $3000. Đợt orientation mình cứ nhìn tiền lũ lượt ra đi mỗi ngày, xót lắm mà không biết làm sao.

Ngoài ra chi phí ăn ở, bảo hiểm, xe cộ,… cũng khá cao. Chất lượng sống ở CO cũng khá cao nhưng tất nhiên không bằng New York hay California. Mình thuê căn hộ 2 phòng ngủ 2 phòng tắm là gần $1.800/ tháng. Mình share với một người bạn nên mất khoảng $900/tháng kèm thêm tiền điện, nước, rác, internet… thêm khoảng $100. Theo như trường tính toán thì mỗi sinh viên cần khoảng 24ngàn một năm cho các chi phí này.

Khoản tiền lớn cuối cùng là tiền thi board. Ở Mỹ có khoảng vài board mà sinh viên có thể lựa chọn – phổ biến nhất là WREB, ADEX, CRDTS, và OSCE. Mình trả $3000 cho WREB chỉ để đăng kí thi chứ chưa tính các chi phí khác. Mình mua lại typodont cũ để tiết kiệm chi phí vì một bộ mới cũng cả $300. Tuy nhiên răng để thực tập thì bắt buộc phải mua mới. Một cái răng nội nha trung bình $20 tuỳ răng trước hay sau. So với việc đóng tiền thi lại nếu rớt, mình thà mua nhiều răng về thực tập cho chắc ăn. Do vậy mình tiếp tục chi thêm hơn $500 cho phần chuẩn bị thi rồi chi thêm cho bệnh nhân board của mình mỗi người $100 kèm theo các chi phí không tên khác.

…còn tiếp…

Kết nối với mình tại https://www.facebook.com/ddsjourney/ nha <3

Bạn có thể click vào Phần 1 để đọc.

Điều gì đáng sợ nhất với bác sĩ Mỹ?

Ai cũng biết trở thành bác sĩ Mỹ đồng nghĩa với việc có thu nhập cao hơn so với bình quân cũng như có nhiều cơ hội hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống (mình không nói chắc chắn 100% vì hạnh phúc hay khổ đau tuỳ thuộc từng cá nhân chứ không tuỳ thuộc nghề nghiệp). Vậy thì bác sỹ sợ nhất điều gì? Không phải sợ không có việc làm hay không trả được nợ mà là sợ mất bằng! Ai cũng có thể thấy được những lợi ích to lớn của việc trở thành bác sĩ, nhưng không phải ai cũng hiểu được những ràng buộc mà bác sĩ phải chấp nhận. Do đó mình muốn chia sẻ một chút về chủ đề này.

Bác sĩ ngán nhất là bị kiện. Đa phần các buổi trình bày ca, đến phần thảo luận giữa sinh viên và faculty, câu hỏi thường gặp nhất đó là “if we choose this instead of that (approach/material/method, etc), can patient sue us? Will they win at the court?” Bệnh nhân có thể kiện bác sĩ vì bất kỳ lý do gì. Họ thích thì họ kiện thôi, thận chí có khi vì cho rằng bác sỹ giàu nên kiếm cớ kiện hy vọng kiếm được một chút. Tin tốt là đa phần bệnh nhân ít kiện thành công vì điều trị trong y khoa công bằng mà nói, có rất nhiều hướng điều trị khác biệt, nhiều ý kiến trái chiều, kèm theo mỗi bệnh nhân có thể có phản ứng khác nhau nên biến chứng nếu xảy ra là điều dễ hiểu. Trong trường hợp bị kiện, nếu bác sỹ có thể chứng minh rằng mình làm mọi thứ theo đúng quy trình, đã thảo luận với bệnh nhân risks & benefits của việc điều trị, bệnh nhân hoàn toàn ý thức và chấp nhận được điều trị (qua việc ký vào consent form) thì bác sỹ không có lỗi. Vậy nếu mình làm đúng thì sao phải sợ? Vì việc bị kiện sẽ mất rất nhiều thời gian của bác sỹ. Nếu việc điều trị diễn ra từ vài ba năm về trước thì việc ngồi lục lại treatment notes, phim xray, các thảo luận với bệnh nhân để chứng minh mình không sai chắc chắn sẽ mất kha khá thời gian, chưa kể đến việc phải làm việc với luật sư bảo vệ, có khi phải ra toà... Thời gian là vàng bạc, cứ mất một ngày làm việc là mất vài trăm đô, cộng thêm tổn thất tinh thần trong thời gian dài. Ngoài ra khi bác sỹ bị kiện, status của họ sẽ có thêm dòng đính kèm về việc đang có lawsuit cho đến khi nào vụ kiện bị bác. Tất nhiên không ai muốn tên của mình bị bôi nhọ cả. Cũng vì vậy mà ngay từ trước khi ra trường, các hãng bảo hiểm đã săn đón sinh viên mua “malpractice insurance” với đủ kiểu đủ loại của họ để phòng trường hợp bị kiện. Đa phần các post quảng cáo tìm bác sỹ đều có thêm yêu cầu bác sỹ phải có trang bị bảo hiểm malpractice hoặc nếu không thì tự họ sẽ mua cho bác sỹ . Không có bảo hiểm đồng nghĩa với việc không hành nghề. Ví dụ như trường hợp bác sỹ bị thua kiện, dù không bị tước bằng nhưng khi hãng bảo hiểm phải trả 1 triệu đô cho bệnh nhân, chắc chắn họ sẽ không nhận đại diện cho bác sỹ đó nữa. “No insurance = no dentistry”.

Bác sỹ thường bị phạt nặng hơn khi mắc lỗi - cũng như cảnh sát bị phạt nặng hơn vì biết luật mà phạm luật. Lỗi nặng nhất mà bác sỹ có thể phạm phải là tiết lộ thông tin bệnh nhân. Cứ mỗi 2 năm bác sỹ và tất cả những người làm trong ngành y phải học lại về luật HIPAA. Vi phạm luật này thì automatically mất bằng. Do đó mọi giấy tờ có tên bệnh nhân đều phải huỷ bỏ đúng quy trình. Mọi hình ảnh của bệnh nhân đều phải bảo vệ kỹ. Đối với sinh viên mà nói, laptop quý như sinh mạng. Do luật Hipaa, mọi laptop nếu muốn vào mạng lưới thông tin của bệnh nhân để có thể viết treatment notes hay sắp xếp lịch hẹn đều cần phải được bảo mật kỹ càng và được đăng ký với trường. Cũng vì lý do này mà đa phần các trường đều yêu cầu sinh viên sử dụng macbook vì bảo mật của Macbook tốt hơn các hãng khác. Nếu bị mất Macbook hay điện thoại (nếu điện thoại có thông tin/ hình ảnh bệnh nhân) thì bắt buộc phải báo ngay lập tức cho trường để xử lý kịp thời. Ngoài ra người ta cũng khuyến cáo không chụp hình bằng điện thoại nếu điện thoại bật chế độ tự động upload lên icloud/google photo/ etc mà nên chụp bằng máy chụp hình thường và giữ kỹ thẻ nhớ. Nếu chụp bằng điện thoại, lưu ý chụp sao cho không thấy mặt bệnh nhân hay có thông tin bệnh nhân trong bức ảnh.

Hiện nay nhiều bang đã hợp pháp hoá cần sa nhưng đó là cho người khác, không phải cho giới bác sỹ, y tá. Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy có sử dụng trong lúc điều trị bệnh nhân thì lawsuit treo ngay trước mắt. Điều này cũng dễ hiểu vì việc bác sỹ “get high” trong lúc điều trị sẽ khiến bệnh nhân mất niềm tin vào bác sỹ mà khi niềm tin không còn thì việc điều trị chắc chắn không hiệu quả. Lái xe lúc say xỉn cũng là một tội nặng khác. Người bình thường nếu bị bắt lái xe lúc có nồng độ cồn quá ngưỡng cho phép thì có thể bị tước bằng lái xe nhưng sau đó vẫn thi lại được. Bác sỹ nếu bị bắt tội này thì vô cùng mệt mỏi. Lúc bạn mình nói bác sỹ có thể bị tước bằng hành nghề nếu bị bắt DUI (driving under influence), mình đã vô cùng ngạc nhiên. Tìm hiểu kỹ hơn thì đúng là như vậy. Nếu bị bắt, bác sỹ sẽ ngay lập tức phải báo cáo đến hội đồng y khoa tại bang mình ở. Hội đồng sẽ xem xét và yêu cầu bác sỹ phải đi điều trị nghiện rượu, sau đó bị thẩm vấn để xem có ăn năn hay chưa, có đủ điều kiện sức khoẻ, tinh thần để tiếp tục điều trị bệnh nhân hay không… Và ngay cả khi trải qua tất cả những điều đó, khả năng bị tước bằng vẫn rất cao.

Để kết thúc mình xin kể một câu chuyện. Vài năm về trước có một bác sỹ nội trú khoa phẫu thần kinh chỉ còn vài tháng là hoàn thành chương trình và được cấp bằng hành nghề. Một ngày kia cô đi tiệc tùng với bạn bè và có hơi quá chén. Không biết vì lý do gì cô đã ẩu đả với tài xế uber. Xui xẻo là điều này có nhiều người chứng kiến và tất nhiên người ta sẽ chụp/quay lại và post lên mạng xã hội. Video này nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội. Nếu là người khác, họ có thể phải chịu đựng một thời gian sự nổi tiếng bất đắc dĩ rồi thì mọi việc cũng chìm xuồng. Nhưng đây lại là một bác sỹ dù chưa có bằng hành nghề. Không cần biết đúng hay sai, cô này lập tức bị sa thải tại bệnh viện nơi mình thực tập. Khổ nỗi một khi bạn đã bị sa thải khỏi chương trình nội trú, khả năng bạn được nhận vào một bệnh viện khác hay một chương trình khác gần như impossible. Cuối cùng cô có degree là bác sỹ nhưng không có bằng hành nghề nên mất tất cả sự nghiệp. Đó là chưa tính đến số tiền nợ khổng lồ cho mười mấy năm học đã sắp đến đích. Đây là câu chuyện có thật mà các thầy cô dùng để răn dạy (đe doạ) các sinh viên về sức mạnh của mạng xã hội và vì sao luôn phải cư xử đúng mực, cẩn thận dù ở bất cứ đâu. Có lẽ vì vậy mà từ thời còn là sinh viên, ai cũng mang tâm lý sợ mạng xã hội. Lúc mình mới vào học, trường phát cho một tờ giấy với nội dung đồng ý cho trường post hình ảnh có mặt mình lên trang web/facebook của trường. Nếu mình không đồng ý ký vào, khi trường chụp hình các hoạt động mà vô tình mặt mình dính vào thì trường không được phép post hình đó. Post trước của mình có chia sẻ hình ảnh của bạn mình trong chuyến đi Hawaii – tất nhiên cũng đã được sự cho phép của cô ấy. Post này không thật sự nằm trong chủ đề chính của trang, nhưng mình vẫn muốn chia sẻ để các bạn hiểu hơn một chút về cuộc sống ở Mỹ. Hy vọng các bạn thích chủ đề này ^^

- Be Smart! Be Brave! Be Fabulous! -

Nha khoa Hoa Kỳ - chi phí học - phần 1

Học phí trường nha ở Việt Nam có lẽ thuộc nhóm rẻ nhất thế giới. Dụng cụ học tập, sách vở bạn có thể chọn mua sách cũ cũng được, dụng cụ thì mua đồ rẻ rẻ thôi. Bảo hiểm y tế cũng rẻ, vài trăm ngàn không có yêu cầu cao. Ai cũng biết học phí ngành Y ở Mỹ là một nỗi niềm trăn trở ngay cả với người bản xứ. Mình đọc đâu đó có người nói, học Y ở Mỹ một là cực giàu, hai là cực giỏi để được học bổng. Vậy câu nói này đúng hay sai?

Thứ nhất, ai vào được trường Y/Nha/Dược đều giỏi, nhưng có được một ghế đã là may mắn bao nhiêu người mơ ước, đâu dám mơ đến một học bổng. Không ít thí sinh được nhiều trường gọi cùng một lúc, nhưng mình chưa từng nghe ai được trường cho học bổng bán phần hay toàn phần. Học bổng trong trường Y/Nha/Dược có không? Có, nhưng học bổng chỉ khoảng 1,2 ngàn đô, không thấm vào đâu so với hàng trăm ngàn đô tiền nợ. Thế cho nên, vế 2 chỉ đúng 1 phần “giỏi” mà thôi.

Thứ hai, ai học Y cũng hầu như có 1 hậu phương nhất định, dù là người bản xứ hay không. Mình có đứa bạn may mắn được người nhà cho vay tiền học hoàn toàn, không cần mượn ngân hàng hay trả lãi. Tuy nhiên số lượng này đếm trên đầu ngón tay. Tìm được người nhà có mấy trăm ngàn trong ngân hàng khó, được họ cho vay còn khó hơn vì thông thường đã có chừng ấy tiền thì họ sẽ đầu tư chứ không để không bao giờ. Số còn lại chủ yếu là vay mượn ngân hàng hoặc nhà nước. Vấn đề vay mượn bên này khá phức tạp, đủ loại đủ kiểu, rắc rối cho cả người bản xứ nên mình chỉ nói những gì mình hiểu theo kiểu đơn giản nhất. Sau này hiểu biết thêm, nếu có dịp mình sẽ chia sẻ.

Nếu có quốc tịch hoặc thẻ xanh, bạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì được mượn từ nhà nước. Tiền mượn từ nhà nước vẫn phải trả lãi như thường nhưng thường thì lãi thấp hơn một chút. Hơn nữa trong vài trường hợp nếu bạn trả đúng hạn, đủ số năm và thêm vài điều kiện khác, bạn có thể được chính phủ xoá số nợ còn lại. Ngoài ra bạn không cần gia đình bảo kê a.k.a cosigner nên trên giấy tờ, gia đình bạn không mang khoản nợ đó và nếu chẳng may điều gì xảy đến khiến bạn không trả nợ được, gia đình không phải trả thay. Nếu xét kỹ hơn, một số bang không có trường nha như New Mexico chẳng hạn, sẵn sàng cho hẳn $100.000 tiền học nếu bạn ký vào hợp đồng sẽ về làm việc tại bang sau khi học nha sĩ tại bang khác. Như vậy các sinh viên này xem như giảm được một khoản lớn số nợ.

Nếu không có thẻ xanh, đa phần sinh viên chỉ có cách là vay ngân hàng. Trường không yêu cầu bạn phải vay từ ngân hàng Mỹ, bạn có thể vay từ ngân hàng ở Việt Nam hoặc có người thân cho vay như trường hợp bạn mình, miễn là đủ tiền đóng học. Để vay ngân hàng Mỹ, bạn nhất định có người bảo lãnh hay cosigner. Người này có thể là bất kỳ ai – gia đình, bạn bè, người quen. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn lòng đứng tên cho bạn bởi số tiền quá lớn bằng cả căn nhà và trên giấy tờ người đó sẽ nợ khoản tiền này trong vài năm cho đến khi bạn đủ điều kiện để bỏ tên họ ra khỏi khoản nợ ( sau khi bạn đã trả tiền đúng hạn được 6 tháng hay 1 năm gì đó). Ngoài ra không phải ai sẵn lòng cho bạn mượn tên cũng đủ điều kiện cho bạn mượn tên. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngân hàng sẽ xem xét người này có đủ uy tín và khả năng đứng ra bảo đảm cho bạn hay không. Để đánh giá điều này họ dựa trên một số tiêu chí như điểm credit score phải tốt (*), có tài sản, có công việc ổn định, mức lương chấp nhận được so với số tiền muốn vay… Do đó muốn học được bạn phải có hậu phương giúp đỡ.

(*) Bạn có điểm credit score khi bạn bắt đầu dùng credit card. Điểm này giống như điểm uy tín, nếu bạn dùng thẻ để mua sắm, sau đó luôn trả nợ tiền thẻ đúng hạn, bạn sẽ có điểm cao.

Đi học là một khoản đầu tư đường dài luôn sinh lãi

...Sau đây là câu chuyện của mình, bạn nào bận rộn thì đọc khúc trên là đủ rồi hehe...

Năm 2015 khi mình được nhận học, trường sẽ yêu cầu đóng một khoản deposit để chứng minh là mình sẽ đi học tại trường, phòng trường hợp thí sinh được nhiều hơn 1 trường nhận rồi trường nào cũng nói yes đến cuối cùng lại không đi học thì mất cơ hội của người khác. Tất nhiên khoản tiền này sẽ tính vào học phí sau này. Ngày nhận thư phải đóng 4000 đô mình sốc kinh khủng. Ngày đó mẹ mình còn vất vả (giờ vẫn vậy nhưng đỡ hơn chút, nhất là về tinh thần vì mình sắp xong), làm lương thì ba cọc ba đồng. Khoản tiền mình dùng trong suốt quá trình học hành thi cử đã là kha khá. Thế nhưng chuyện cần làm thì phải làm thôi, chẵng lẽ không đóng tiền thì coi như mình từ chối không đi học. Hỏi mượn tiền từ bác, cô, chú, cousin mới đóng được xong khoản này mà lòng thì nơm nớp lo lỡ cuối cùng không mxượn được tiền, không đi học được thì mất 4000. Đóng xong thì lo vay tiền ngân hàng khắp nơi. Mẹ mình bảo đây là chuyện quan trọng nhất, vì ngân hàng không cho vay thì mẹ cũng không lo nổi. Ở Mỹ này, nợ tiền học là một vấn nạn. Người ta đi học có khi vay có 20.000 mà trả vài năm cũng không hết, tháng nào cũng khổ sở vì nợ, nên bây giờ phải vay cả hơn 100.000 thì ngân hàng làm khó là chuyện dễ hiểu. Đúng như dự đoán, mình vay từ 3 ngân hàng và không nơi nào cho vay. Thời điểm này mẹ mình có việc làm ổn định nhưng làm tư và lương chỉ đủ sống. Mình bổ sung thêm 1 cosigner nữa để income tăng lên nhưng cũng không được. Ngày mình viết thư gửi đến trường xin hoãn học 1 năm, trong đầu mình tự hỏi tại sao lại bất công đến vậy, đã đi đến đây rồi mà phải bỏ cuộc. Mình về lại VN trong tâm trạng bất mãn chưa từng thấy (lúc này qua Mỹ phỏng vấn xong vẫn chưa về). Mình bỏ hết chẳng học hành gì nữa.

Qua năm sau, mình tự nhủ không được nữa thì thôi mình chấp nhận số phận, nhưng cũng phải thử một lần nữa vì chỉ được bảo lưu 1 năm nên đây là cơ hội cuối. Vậy hên sao lại được. Tất nhiên trong 1 năm này nhà mình cũng có biến đổi. Mẹ mình đi làm chỗ mới, lương có cao hơn nhưng chỉ 1 chút, quan trọng đây là bệnh viện quân đội nên đảm bảo hơn. Thứ hai là mẹ mình mua được nhà dù hoàn toàn là vay tiền ngân hàng để mua nhà. Sau này mình mới biết, ở Mỹ, bạn nợ bao nhiêu không quan trọng bằng bạn sở hữu bao nhiêu. Một người không nợ gì nhưng không sở hữu gì thì không có giá trị bằng một người sở hữu nhà, nợ mấy trăm ngàn nhưng trả nợ đều đặn. Và đó là khởi đầu cho mọi câu chuyện sau này…

To be continue...

TOEFL 100 điểm

Hôm nọ có một bạn hỏi mình về học TOEFL như thế nào để đạt 100 điểm. Thiết nghĩ đây là bước đầu tiên trên hành trình vạn dặm nên khá quan trọng, vì vậy mình viết bài này hy vọng truyền thêm cảm hứng cho các bạn.

Tại sao phải đạt TOEFL 100đ? Vì đây là điều kiện đầu tiên để nộp đơn xin vào chương trình. Hầu như tất cả các trường nha có chương trình Advance Standing Program đều yêu cầu tối thiểu 94đ mới được nộp đơn, tuy nhiên dưới 100đ có rất ít cơ hội được gọi phỏng vấn. Tất cả các chương trình ASP đều là fast-paced program và bạn sẽ bắt đầu điều trị bệnh nhân chỉ vài tháng sau khi bắt đầu học. Ở CUDenver, bọn mình nhập học vào tháng 1, bắt đầu lên lâm sàng điều trị lẫn nhau vào tháng 3 và khoảng tháng 4,5 là bắt đầu điều trị bệnh nhân. Bởi vì nhịp độ quá nhanh nên bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không giao tiếp được, hơn nữa đây không phải là giao tiếp thông thường mà là giao tiếp chuyên môn giưã bạn và các bác sĩ khác, giữa bạn và thầy cô và quan trọng hơn là giữa bạn và bệnh nhân. Trường không có thời gian để chờ bạn học tiếng anh nên đương nhiên giao tiếp tốt là điều kiện đầu tiên cần có. Fact: 99.9% candidate nộp đơn xin vào trường đều có TOEFL từ 100 đến 120. Trung bình lớp mình là 109.

TOEFL 100 điểm tuy khó nhưng không phải impossible. Vậy mình đã học như thế nào? Trước hết xin hiểu rằng TOEFL là kỳ thi đánh giá kỹ năng. Nó không giống thi toán lý hoá nơi bạn học gì thì thi ra cái đó. Càng không giống thi văn sử điạ ở VN khi bạn có thể không hiểu gì nhưng nếu thuộc lòng thì vẫn đạt điểm cao. Thi kỹ năng đại loại như thi masterchef vậy, bạn chưa bao giờ nấu món đó, nhưng vì kỹ năng bạn tốt, bạn có thể dự đoán được cho bao nhiêu mắm muối thì vừa, hay nên cho thêm gì vào cho món ăn thơm hơn, bắt mắt hơn. Vậy làm sao để rèn kỹ năng? Cách duy nhất là nấu hàng ngày, nấu đủ thứ món chay mặn ngọt, nấu cả món Âu món Á để đề thi như thế nào thì cũng biết làm, có thể không đạt 10 thì cũng đạt 8. TOEFL cũng vậy, học trung tâm nào không quan trọng, học sách nào cũng không quan trọng nếu bạn không “sống” với nó hàng ngày và không tự luyện tập cho kỹ năng của mình tiến bộ lên.

Khi mình bắt đầu tìm hiểu về TOEFL, mình thi xếp lớp thử ở 1 trung tâm được gần 70đ. Điểm viết của mình không quá tệ, it´ nhất không quá sai lỗi ngữ pháp dù cách diễn đạt còn vụng. Điểm đọc cũng ổn vì mình thích đọc sách và đã tập đọc sách tiếng anh từ trước. Nhưng điểm nghe và nói cuả mình thì ôi thôi là tệ. Lúc đó nhìn điểm nói được đúng 13đ/30 mà cảm thấy nhục nhã với bản thân vì xưa giờ mình cũng gọi là tương đối khá av. Đó là năm cuối trường nha. Tốt nghiệp đại học mình quyết tâm học lại tiếng anh cho đàng hoàng. Lúc đó có trường CIE mở khoá học tiếng anh fulltime sáng chiều từ thứ 2 đến thứ 6 luôn để chuẩn bị cho các bạn đi du học. Học xong 1 khoá thì… hết tiền nhưng vì nói tiếng anh hàng ngày nên nhờ đó mình cảm thấy tự tin hơn. Đó là năm 2011. Sau đó là khoảng thời gian đi làm kiếm tiền để học anh văn. Không đi học được nên mình cố gắng mỗi ngày đọc báo tiếng anh. Đọc tin kinh tế chính trị xã hội thì không hiểu gì rồi, chỉ có đọc tin ngôi sao điện ảnh ca nhạc thì hiểu. Kệ đọc gì cũng được, quan trọng là hình thành thoí quen đọc tiếng anh cái đã. Rồi mình nghe nhạc tiếng anh mỗi ngày, không nghe nhạc tiếng việt. Coi tv chỉ coi kênh tiếng anh, rất ít coi kênh tiếng việt. Như vậy coi như luyện được 2 kỹ năng đọc và nghe. Đọc tốt, nghe tốt thì tự nhiên kỹ năng viết cũng khá lên nên mình tự nhủ chỉ cần tìm cách luyện thêm kỹ năng nói. Mình lên mạng, cũng xin tham gia các group chat này nọ để được nói tiếng anh. Lúc đó thèm nói tiếng anh lắm nên có cơ hội nào là chớp lấy. Lúc rảnh thì tự đọc to các đoạn văn và tự chỉnh phát âm của mình với trợ giúp của từ điển và google. Cứ đọc được một thời gian như vậy thì từ từ thấy miệng mình nó dẻo hơn 1 chút, nghe thuận tai hơn 1 chút.

Năm 2013, lúc này trong nhà có chuyện buồn, mình không còn gì ràng buộc với cuộc sống ở VN nên mình quyết tâm đầu tư vào việc học. Mình thi xếp lớp lần nữa được 90đ. Vậy là coi như sau 1.5 năm tự mày mò học mình tăng được hơn 20đ. Khi đó lên mạng đọc, mình thấy mọi người nói tăng lên đến 90đ thì dễ, chỉ cần luyện hàng ngày, trau dồi hàng ngày. Đọan đường từ 90 lên 100 mới là đoạn đường khó nhất. Ví như từ người không biết nấu ăn thành biết nấu ăn thì dễ, còn từ nấu ăn thành đầu bếp rồi bếp trưởng thì đòi hỏi rất nhiều công sức. Biết là vậy nên mình tự nhủ trước khi đi Mỹ thì thi thử 1 lần để biết mình đang đứng ở đâu, đạt điểm càng cao càng tốt sau này qua Mỹ định cư thì may ra mới lên được 100đ. Mình học 2 tháng ở Yola thì lại hết tiền học :D nhưng quan trọng nhất là sau khoá học mình nghĩ ra thêm được cách để tự luyện ở nhà. Phần nói vẫn là phần mình sợ nhất. Mình lên youtube lúc này mới phát hiện trên youtube và internet có nhiều clip câu hỏi mẫu theo kiểu TOEFL. Mình tìm tất cả các clip đó, tự timing canh thời gian 15s suy nghĩ, 45s trả lời như thi thật. Đến khi hết câu hỏi thì mình tự đặt câu hỏi cho mình luôn. Lái xe trên đường đến lúc dừng đèn đỏ thì hỏi vu vơ kiểu “Which color do you like more, red or green?” Đi ăn sáng cũng tự hỏi vu vư “Which one you like more, pho or banh mi?” Nghĩ lại khoảng thời gian đó chắc người xung quanh sợ mình lắm. Nhờ như vậy đến khi thi thật, đầu óc mình đã quen với việc suy nghĩ nhanh, tìm các lời giải thích đơn giản, dễ hiểu. Kỹ năng đọc thì mình vẫn duy trì đọc ha`ng ngày. Kỹ năng viết thì mình cũng tìm topic trên mạng rồi viết hàng ngày. Lúc đi học có lần cô giáo nói giám khảo thường chấm điểm cao nếu dùng idiom hay quotation hay những từ phức tạp. Thế là mình học từ vựng hàng ngày. Các bạn có thể tìm từ vựng hay dùng cho TOEFL trên mạng rất nhiều. Ngoài ra mình cố gắng học thuộc lòng các idiom hay quotation ngắn, dễ nhớ và dùng được cho nhiều hoàn cảnh. Ví dụ như câu “A child educated only at school is an uneducated child.” Câu này có thể dùng cho nhiều topic kiểu TOEFL như “có nên khuyến khích thêm hoạt động ngoại khoá hay không”, “có nên xây thêm trung tâm thể thao ở trường hay không”, hay “ vai trò của bố mẹ trong việc học hành của con cái”… Nhờ vậy mà điểm viết của mình được 28đ lúc thi thật và tổng điểm của mình là 104đ, vượt quá sức mong đợi. Đó là cuối năm 2013.

Tóm gọn lại, mình nhấn mạnh vài điểm như sau:

- Trên 100 là hoàn toàn có thể

- Cố gắng rèn luyện từng kỹ năng – điều này cần thời gian dài chứ không phải cứ học vẹt một vài khóa rồi đi thi.

- Tìm hiểu thêm trên mạng - có rất nhiều lời khuyên hữu ích, nên tự chọn lọc cách học. nào hợp với mình

- Có goal cụ thể, không có đích nhắm rất khó để hy sinh thời gian vui thú bên bạn bè mà cắm đầu vào học.

(Mình hằng ngày đều mở website của trường mình muốn vào, đọc mòn website rồi tưởng tượng đến ngày mình đủ điều kiện để nộp đơn. Nhờ vậy mà vượt qua được thời gian 4 năm gian khổ. Mình còn download hình một người bạn trong ngày tốt nghiệp nha sĩ Mỹ làm hình nền điện thọai nữa cơ. Nói chung là thời gian đó lăn lộn dữ lắm :D )

Lấy bằng hành nghề ở Mỹ có khó không?

Câu trả lời ngắn gọn dễ hiểu là rất khó. Vì vậy nếu bạn chỉ có ý định “học thử coi có đậu không, đậu thì tốt không thì thôi” thì thật sự mình nghĩ không nên, vừa tốn tiền, tốn thời gian, không tới đâu cả. Sơ lược một chút về hành trình của mình. Minh tự nhận là một người khá may mắn khi có người đi trước chỉ bảo, vả lại số mình may mắn về con đường khoa bảng, nên những kỳ thi mang tính quyết định thì thường đánh đâu thắng đo´. Tuy vậy hành trình của mình vẫn kéo dài tới 4 năm từ lúc lên kế hoạch học đến lúc bắt đầu học. Nếu không xét tới các đồng nghiệp khác may mắn được dạy bằng tiếng anh hoàn toàn ở trường nha hay nói tiếng anh từ nhỏ thì 4 năm coi như là ngắn vì nhiều người còn tốn nhiều thời gian hơn như vậy. Trong thời gian đó mình tốn tiền trước hết cho việc học anh văn để lấy được cái bằng toefl trên 100 hết gần 20 triệu thì phải. Tiếp theo là tốn tiền rút bảng điểm ở trường cả tiếng Việt và tiếng Anh, và cần trường đóng mộc vào nữa là 40t. Sau đó tốn tiền nộp cho tổ chức đánh giá bằng cấp quốc tế ECE để họ chuyển bảng điểm cho mình thành thang điểm trên 4 cũng thêm vài triệu nưã. Rồi tốn tiền thi NBDE part 1 và 2, tiền thi toefl chắc cũng khoảng 20t. Ngoài ra cũng nên tính thêm chi phí đi Mỹ thi cử, tiền vé cứ lần đi là khoảng 20t không tính ăn ở vì ở nhà mẹ. Mỗi lần đi xin visa Mỹ cũng nên tính vào nốt cứ 3t một lần mà vài lần như vậy. Rồi khi apply thì muốn qua bước này phải hoàn thành bước khác, nghiã là lại thêm một lần đóng phí. Trên đây là những chi phí cơ bản, còn ngoài ra thì hằng hà sa số khoảng nho nhỏ khác. Khoảng thời gian đó mình cảm thấy có lỗi với mẹ kinh khủng, vì mẹ mình qua Mỹ chưa được bao lâu, còn nhiều vất vả mà một lúc lo cho 3 chị em ăn học. Cảm thấy mình là đứa bất tài nhất thế giới này. Việc làm thì không như ý vì mình dành thời gian cho việc học mà lơ là việc làm, cứ dậm chân tại chỗ làm vài ba ca đơn giản trong khi bạn bè sắp lên sao Hoả rồi. Mỗi ngày đi làm đều cảm thấy chắc mọi người cười chê mình dữ lắm. Áp lực tâm lý lúc đó thật lớn, vì mỗi ngày đều tự hỏi khi nào thì mới ra trái ngọt, và có bao giờ hái được trái ngọt hay không.

Nhưng… có đáng không? Rất đáng, một khi bạn đủ dũng cảm đi đến cuối con đường. Dentisty là ngành nghề số một ở Mỹ - bởi một khi bạn tốt nghiệp và clear bằng hành nghề để đi làm, bạn nghiễm nhiên lọt top 3% income cao nhất nước Mỹ - cái này là đi học được dạy như vậy chứ không phải mình nổ nghen. Ngày orientation đầu tiên, các thầy cô mở đầu bằng câu: “mặc dù vào được trường nha rồi, nhưng hãy khoan sống như một nha sĩ đã”. Vì sao nói như vậy, vì bác sĩ, nha sĩ thực sự có một cuộc sống rất tốt. Mình thấy bạn mình đi du lịch khắp nơi vì “I know i can afford it”. Mình thấy những bạn khác nữa ăn nhà hàng sang trọng cũng chỉ bởi vì “I know I can afford it”. Khi thấy mình suy tính chuyện tiền nong, bạn mình nói “còn có 3 tháng nữa là tốt nghiệp, mày biết là một đống tiền sắp ập vào mặt mày phải hơm?” Khi mình đi phụ phỏng vấn thí sinh nộp vào trường, các thầy cô nói rằng hãy đánh giá cẩn thận, chọn lựa cẩn thận bởi chúng ta có thể thay đổi số phận một con người với quyết định cuả chúng ta. Giá như mình có thể cho các bạn thấy được niềm kiêu hãnh và sự tự tin cuả sinh viên trong trường, thì các bạn sẽ hiểu rõ hơn. Mình không phải viết ra để chảnh hay nổ, mà để tiếp thêm động lực cho bạn nào thật sự quyết tâm thay đổi số phận của mình. Bởi vì nó rất đáng, cho nên nó mới khó với tới. Nói vui một chút, mình có anh bạn cùng lớp đang độc thân, nhỏ bạn liền bảo – đừng lo, mày có 2 vũ khí đáng giá vào hàng bậc nhất thế giới: passport Mỹ và bằng nha sĩ Mỹ, ra trường thì mày không bao giờ bị ế đâu.

Tản mạn tí thôi, lâu lâu viết tiếng việt cho cả nhà dễ đọc, nhưng mà viết tiếng việt thật sự khó diễn đạt quá, rặn ra được câu là tuột mood rồi. Một là đọc rất sến, hai là đọc rất dở hơi, ba là đọc lại thấy chảnh chảnh kiểu ta đây, không biết làm sao viết cho nó đúng tone cả. Với nữa từ nhỏ xài VNI nó quen rồi, giờ xài macbook đành ngậm ngùi học cách đánh của nó. Ngồi mổ cò bài này bằng viết được ba bài khác. Đó cũng là lý do mình thích viết bài tiếng anh hơn, hơn nữa mình cho rằng nếu các bạn có ý định tìm hiểu con đường này thì tiếng anh là một điều bắt buộc. Thật sự nếu bạn cảm thấy đọc tiếng anh lười quá chỉ thích đọc tiếng việt thì mình thành thực cho rằng bạn khó có thể đi đến cuối con đường bởi tin mình đi, bạn sẽ phải đọc cả trăm trang web, cả ngàn trang tư liệu trong hành trình của mình, dù có người giúp đỡ hay không. Chúc các bạn có đủ quyết tâm và dũng cảm theo đuổi con đường này. Nếu các bạn có thắc mắc, hay muốn mình viết thêm về chủ đề gì thì vui lòng email vào địa chỉ hannah@ddsjourney.com Hiện tại thấy mọi người đa phần đề nghị "how to study for NBDE" và "how to finance the journey" là chính. Đó sẽ là chủ đề tiếp theo cho blog sắp tới. Thân!

National Board Dental Examination

Hôm nay đang ở giữa kỳ nghỉ nên mình tranh thủ viết một chút về kỳ thi NBDE và format mới sẽ áp dụng trong vài năm tới đây dưới tên gọi là INBDE.

NBDE là kỳ thi vô cùng quan trọng của bất cứ sinh viên nha khoa nào tại Mỹ. NBDE gồm có 2 phần - part 1 và part 2.

Part 1 thường được sinh viên nha khoa Mỹ thi vào khoảng cuối năm 1 hoặc năm 2, bao gồm những kiến thức khoa học cơ bản được chia thành 4 chủ đề lớn: Anatomic sciences, Biochemistry-Physiology, Microbiology-Pathology, Dental anatomy & Occlusion. Sau khi thi đậu Part 1, đến khoảng năm 4 sinh viên bắt đầu lục tục chuẩn bị cho Part 2. Part 2 thường gần với sinh viên nha khoa hơn vì thi kiến thức chuyên ngành, nên cảm giác học có vẻ nhẹ nhàng hơn. Nội dung Part 2 bao gồm Perio, Pros, Operative, Radiology, Oral Path, Pharmacology, Endo, Oral surgery, Ortho, Pedo. Sau khi đậu cả 2 phần thi thì sinh viên sẽ được quyền thi licensing vào giữa/cuối năm 4.

Vậy nếu chúng ta đang ở VN thì sẽ học như thế nào? Thứ nhất là tài liệu học. Bộ Dental Deck Part 1 và Part 2 được xem như “Bible” của sinh viên nha khoa ở đây. Tất cả các diễn đàn lớn nhỏ đều khuyến khích nên đọc qua Dental Deck ít nhất 2/3 lần trước khi thi. Dental Deck là 1 hộp gồm mấy ngàn card, chia thành nhiều chủ đề. Mỗi card sẽ có câu hỏi in mặt trước và câu trả lời cùng với kiến thức cần biết in mặt sau. Muốn mua DD, bạn chỉ cần search dentaldeck part 1/part 2 thì sẽ thấy ngay trang web. DD có 2 dạng online và paper card. Bạn có thể mua 1 hộp gửi về nếu thích dạng cầm giấy học, cũng có thể mua dạng online nếu ngại việc shipping về vn, và dạng này cũng tiện hơn vì đi đâu cũng học được (vì thật sự 1 hộp DD khá nặng, chắc cũng tầm hơn 5kg), hoặc mua cả 2 format. Ngoài ra có thể mua version cũ từ amazon/ebay... vì mỗi năm DD ra một version mới với vài thay đổi, nếu không có điều kiện mua version mới thì version cũ cũng không đến nỗi nào. Mình vừa thi 09/2017 và học version 2013/2014. Ngoài DD ra còn có thể học từ rất nhiều sách khác như Mosby, First Aid, Kaplan, ... hoặc học từ app như cracknbde, dental boards mastery... Mỗi một sách có cách viết khác nhau dù cùng chung chủ đề, nên tùy personal preference mà chọn thôi. Thứ hai là các lời khuyên, tips, review trên mạng. Khi còn ở VN mình hầu như không hề biết là thông tin về NBDE bao la trên mạng. Chỉ cần gõ NBDE vào google, bạn có ngay hàng ngàn thông tin hữu ích. Thông tin đầu tiên bạn cần đọc là từ ADA (mình sẽ post các link cuối bài viết). ADA có file pdf về tất cả những điều bạn cần biết để học và thi, cách apply như thế nào, format thi như thế nào... Ngoài ra studentdoctornetwork forum là 1 nguồn thông tin vô cùng to lớn không chỉ về NBDE mà còn về toefl, cách apply như thế nào, interview ra sao... Họ có riêng mục cho sv nha khoa và cho bác sỹ nước ngoài muốn học và làm việc tại Mỹ. Có 1 số blog khác trên mạng từ những bác sỹ đi trước viết về kinh nghiệm/trải nghiệm của mình cũng rất bổ ích. Mỗi người có cách học khác nhau, nên trải nghiệm cũng khác nhau. Càng đọc, càng tìm hiểu sẽ càng vỡ ra cách nào là tốt nhất cho bản thân mình.

Trải nghiệm của mình đối với kỳ thi này thì như thế này. Hồi mình học part 1, tiếng anh của mình chưa thật sự tốt lắm dù thi toefl có kết quả khá tốt, nên mình chật vật kinh khủng. Hồi năm 1 học giải phẫu ở trường thi có mỗi 5 điểm vừa đủ đậu mà bây giờ phải học thuộc lòng bằng tiếng anh thì học kiểu gì đây vì mình tệ nhất là học thuộc lòng. Học đến phần biochemistry thì khóc lên khóc xuống vì hầu như chữ nào cũng phải tra từ điển, mà học đến phần mới thì quên ngay phần cũ. Nói chung là one step forward, two steps back. Mình chia sẻ ở đây để các bạn thấy là you are not alone

:D Ngay đối với sinh viên mỹ part 1 cũng là 1 thử thách kinh hoàng. Nhưng các bạn thấy đó, mình vượt qua được thì mọi người cũng sẽ vượt qua được nếu thật sự đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc. Đối với cách học của mình thì mình không thích DD, nên lúc thi part 1 đã give up và học sách khác, còn thi part 2 thì mình hầu như đọc rất ít. DD là dạng card nên đối với mình nó khá rời rạc. Mình cần học 1 cách có hệ thống, phần này link với phần kia như thế nào, nên lúc đó mình học First aid là chủ yếu dù nó không được highly recommend như những sách khác (lý do mình học vì sách này rẻ nhất trong các sách trên amazon :D). Ngoài ra mình học từ rất nhiều nguồn khác nhau trên mạng. Youtube is my greatest tutor. Mỗi phần chủ đề mà mình không thể nào hiểu/nhớ nổi, giả dụ như bệnh về gan, thận, đọc sách thì như tra tấn nhưng xem video chừng 15-30 phút sẽ nhớ dễ hơn rất nhiều. Hoặc đọc thấy chữ nào không hiểu, tra từ điển cũng không hiểu, đọc google/wikipedia cũng khó hiểu luôn thì vô youtube hầu như sẽ có 1,2 video giảng giải. Một trong những channel mình hay xem nhất là khanacademy. Chủ đề nào khó nhớ quá thì mình tự làm flashcard, hoặc vẽ biểu đồ, hoặc memory tree... nói chung 6 tháng học part 1 mình học từ trên bàn rồi xuống tới dưới đất, từ bảng đen phấn trắng đến tablet, đủ cách học và kiểu học.

Đối với part 2, mình không có nhiều lắm để chia sẻ với mọi người vì mình thi part 2 lúc đã vào học ở trường, và đã học phần lớn kiến thức từ trong trường nên mình hiểu concept tương đối dễ dàng hơn. Mình học trong khoảng 5 tuần, mỗi ngày học khoảng 2-3 tiếng, cũng có ngày không học vì đi học/làm bệnh nhân trong trường đã quá mệt. Mình hầu như không đọc DD vì quá chán và không đủ thời gian để đọc. Mình chủ yếu là học từ các app, làm các quiz và đọc câu trả lời để hiểu cách suy nghĩ của NBDE (mỗi bác sỹ sẽ có quan niệm khác nhau, ngay cả những thầy cô ở trường cũng sẽ có quan niệm khác với hội đồng ra đề thi nên cần phải hiểu quan điểm của hội đồng là gì để chọn cho đúng). Phần Patient management thì mình đọc từ Mosby, phần pharmacology học từ Tufl, Oral path học từ DD.

Viết nhanh về format mới INBDE. Hiện tại ADA đang muốn chuyển đổi format cũ part 1, part 2 thành 1 kỳ thi duy nhất gọi là INDBE. Họ đã nghiên cứu mấy năm nay, hiện đang cho thi thử trong 3 tháng từ 11/2017 - 1/2018. Sau 3 tháng họ sẽ đánh giá hiệu quả, chỉnh sửa, và đưa vào hoạt động sau 3,4 năm nữa. Như vậy trong thời gian sắp tới các bạn có khả năng thi INBDE chứ không phải part 1, part 2 nữa. Vừa rồi mình may mắn được offer đi thi thử, tùy theo kết quả mình thi ở mức độ nào mà sẽ được lãnh 300 đến 500 đô. Tất nhiên là mình chộp ngay cơ hội rồi haha. Phần Part 1 trước đây thì trong 7 tiếng, part 2 thi trong 10.5 tiếng (thi làm 2 ngày) thì nay INBDE thi trong 7.5 tiếng. Về mặt tâm lý, tiền bạc,... thì đều tốt hơn hẳn. Phần thi của mình thì không có nhiều câu hỏi về khoa học cơ bản như kiểu protein và lipid cấu tạo ra sao mà nó gần với part 2 hơn. Mình nghĩ là họ đánh giá sự hiểu biết về khoa học cơ bản dựa trên cách vận dụng chúng vào các vấn đề nha khoa. Nếu thật sự là vậy thì đây là điều rất tốt cho các bạn sau này vì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên cần lưu ý là mỗi thí sinh đi thi có 1 set câu hỏi khác nhau. Ví dụ như hồi mình thi part 2, câu hỏi của mình rất ít các chủ đề nha khoa thông thường mà chủ yếu hỏi về thuốc và bệnh, ví dụ như hỏi thuốc Prostin E2 là để chữa bệnh lý gì, cơ chế tác dụng gì... hoặc hội chứng Sturge Weber thì như thế nào... Cũng trong ngày thi đó có 1 sinh viên cùng trường cũng đi thi nhưng câu hỏi toàn chủ đề về endo, pros, operative... Do đó có thể vừa rồi mình chỉ là may mắn không gặp câu hỏi về khoa học cơ bản.

Trong nội dung bài này mình khó có thể viết tất cả những điều cần biết về NBDE vì nếu viết hết thì nó quá dài chắc không ai đọc nổi. Hơn nữa thông tin trên mạng rất nhiều, bản thân mình không thể biết tất cả mọi thứ nên tốt nhất các bạn tìm hiểu thêm để chọn cách học phù hợp với bản thân.

Link quan trọng:

http://www.ada.org/en/jcnde/examinations/nbde-general-information

https://www.asdanet.org/index/dental-student-resources/tips-for-international-dental-students

https://forums.studentdoctor.net/forums/nbde-exams-licensure-exams.155/

http://www.dentaldecks.com/

http://www.foreigntraineddentists.net/nbde.html

“PAY IT FORWARD “